TP.HCM – Càng trong bối cảnh lạm phát, dòng sản phẩm nhà liền thổ càng cho thấy sức hút “bất tận” với dòng tiền đầu tư, nhất là ở nhóm đối tượng dư dả tài chính.
Dòng tiền đầu tư vẫn ưu ái nhà thấp tầng
Theo báo cáo Tâm lý người tiêu dùng bất động sản (CSS) TLS GROUP vừa công bố mới đây cho thấy, dù số người sinh sống tại các căn hộ chung cư vẫn tăng đều qua các năm nhưng với nhóm đối tượng người thu nhập 40-70 triệu/tháng, đã có từ 1 BĐS trở lên muốn mua thêm BĐS nữa có xu hướng thích chọn mua đất, nhà thấp tầng.
Cụ thể, với nhóm khách hàng có thu nhập từ 40-70 triệu/tháng, có tới 75% đáp viên cho biết đang sở hữu ít nhất 1 bất động sản, tỷ lệ này ở nhóm thu nhập dưới 40 triệu/tháng là 67% và 45% nhóm thu nhập trên 70 triệu/tháng sở hữu từ 3 bất động sản trở lên. Điều này cho thấy, nhu cầu với ngôi nhà thứ 2 của người Việt đang rất lớn, thu nhập càng cao càng có xu hướng sở hữu nhiều BĐS hơn. Đáng chú ý, 80% khách hàng đã có ít nhất 1 BĐS cho biết muốn dùng nguồn tiền sẵn có mua thêm BĐS để đầu tư và xem đây như tài sản tích lũy. Tiêu chí chọn mua của nhóm này tập trung vào 2 loại hình là đất và nhà thấp tầng.
Nhà thấp tầng vẫn là lựa chọn hàng đầu để bảo toàn dòng tiền của giới đầu tư trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Báo cáo quý 2/2022 của TLS GROUP cũng chỉ ra, nhu cầu mua đất và nhà phố phía Nam tiếp tục tăng 8% so với cùng kỳ, trong đó nhu cầu tìm thuê nhà phố tăng gần 70%. Với các tỉnh vệ tinh, trong khi lượt quan tâm đất nền giảm mạnh, nhu cầu với nhà phố, nhà liền thổ vẫn duy trì ở mức ổn định, không có xu hướng giảm, thậm chí còn tăng nhẹ tầm 1-2% trong tháng 6 vừa qua. Giá bán loại hình này có xu hướng tăng từ 12-23% so với cùng kỳ.
Giải thích về sự ưu ái của giới đầu tư với phân khúc nhà thấp tầng, nhà liền thổ, bà Trang Bùi, CEO Cushman & Wakefield cho biết, đây là nhóm tài sản có giá trị cao, số lượng mở bán đang hạn chế dần theo thời gian, tổng giá trị BĐS liền thổ khá lớn, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng một sản phẩm. Vì vậy, phân khúc này thường hút khách mua có dòng vốn ổn định, thích nắm giữ tài sản lâu dài và thích hợp làm kênh trú ẩn an toàn. Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, dòng tiền mặt dễ mất giá, nhóm đối tượng tài chính khá giả chọn gửi tiền vào nhà thấp tầng để bảo trì giá trị dòng tiền là rất dễ hiểu.
“Tác động của lạm phát rõ rệt thời gian gần đây là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy nhu cầu tìm đến BĐS liền thổ làm kênh trú ẩn an toàn gia tăng, từ đó đẩy giá trị tài sản đội lên trên thị trường sơ cấp. Xu hướng dòng tiền trú ẩn trong BĐS liền thổ được dự báo có thể tiếp tục diễn ra trong nửa cuối năm 2022 khi tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư vẫn cao và nhu cầu với nhà thấp tầng còn rất lớn. Tuy nhiên thị trường sẽ ít đi nhà đầu cơ và xuất hiện nhiều hơn những nhà đầu tư dài hạn, người mua kinh doanh cho thuê”, bà Trang chia sẻ.
Sức nóng vẫn vây quanh vùng vệ tinh TP.HCM
Đáng chú ý, kết quả khảo sát tâm lý người dùng BĐS còn chỉ ra, tiêu chí người mua nhà hiện tại quan tâm nhất vẫn là không gian sống xanh, tiện ích vui chơi, giải trí, giáo dục và hạ tầng công cộng. Riêng tiêu chí ưu tiên mua nhà trong tương lai, yếu tố mật độ xanh vẫn chiếm 50%, bên cạnh đó là sự ưu ái dành có các dự án có mật độ dân cư thấp, xa vùng nội thành và diện tích rộng rãi.
TP.HCM đang định hướng phát triển nhà cao tầng, quỹ đất cho nhà thấp tầng chỉ giới hạn tại TP.Thủ Đức, huyện Nhà Bè và Bình Chánh. Nguồn cung ít, giá chào bán cũng tăng chóng mặt. Số liệu từ Cushman &Wakefeild cho thấy, giá bán sơ cấp nhà thấp tầng tại TP.HCM trong quý 2/2022 trung bình từ 9.300-11.000 USD/m2. Báo cáo của TLS GROUP chỉ ra, trong quý 2, giá chào bán nhà riêng và nhà phố TP.HCM tăng 6-8%, có khu vực tăng đến 17%.
Mật độ thông thoáng, không gian sống xanh và giá trị lợi nhuận tăng trưởng tốt là yếu tố giúp nhà liền thổ vùng ven giữ sức hút tốt với giới đầu tư.
Khi người mua nhà không thể tiếp cận thị trường TP.HCM vì giá cao, nhu cầu mua loại hình này với mục đích đầu tư và tích lũy tài sản chuyển về các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai và Bình Phước, nơi nguồn hàng dồi dào và giá thành đa dạng tốc độ đô thị hóa nhanh. Các dự án nhà phố, biệt thự nằm ở khu vực phù hợp, trong bán kinh cách TP.HCM tầm 50-70km, kết nối giao thông thuận tiện, tiện ích đa dạng, giá bán vừa tầm và có lợi thế về mật độ xanh cao đang hút mạnh dòng tiền đầu tư trong bối cảnh cầu cao – cung ít.
Đơn cử như dự án khu biệt lập The Standard được An Gia triển khai tại Tân Uyên, Bình Dương. Đây là số ít dự án nhà phố cao cấp quy mô khoảng 7 ha có mức giá khoảng 20 triệu/m2 không gian sống, đã bàn giao từ tháng 3 năm nay. Với số lượng hạn chế, giá thành hợp lý các sản phẩm villa, nhà phố biệt lập tại dự án ghi nhận lực cầu tốt ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Nhóm người mua chính là nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận bền vững từ cho thuê và tích lũy tài sản dài hạn. Xa hơn về khu vực Bàu Bàng, Bến Cát, các dự án nhà liền thổ đang rao bán như Urban Dream, Richland Residence, Thăng Long Central City, Inco City… với tầm giá khoảng 1,5-2 tỷ đồng/căn đều đang ghi nhận thanh khoản tốt đến từ nhu cầu mua đầu tư dài hạn.
Tại Long An, các sản phẩm nhà phố, biệt thự thuộc những dự án khu đô thị kiểu mẫu đang được triển khai bởi những CĐT lớn như The Aqua (KĐT Waterpoint) của Nam Long Group, KĐT Sol City, Diamond City của Thắng Lợi Group, Imperia Grand Plaza của MIK Group đều ghi nhận thanh khoản cao ngay trong bối cảnh thị trường khó khăn. Điểm chung là các dự án này là ưu thế quỹ đất rộng, mật độ cây xanh bao phủ cao và hệ thống tiện ích sinh hoạt đa dạng. Ví như khu The Aqua có 6 hệ thống công viên sinh thái đan cài, mật độ xây dựng toàn khu chỉ 23, tương đương 84 người/ha, gần với mật độ dân số Singapore, thấp hơn rất nhiều so với các quận nội đô TP.HCM như quận 1 (240 người/ha), quận 5 (440 người/ha).
Giới chuyên gia nhận định, nhà thấp tầng vẫn sẽ là kênh cất giữ tài sản phù hợp cho nhà đầu tư dài vốn, đặc biệt trong thời điểm thị trường có nguy cơ lạm phát. Biên độ giá cao, lợi nhuận bền vững do tài sản gắn liền với đất, dòng sản phẩm này sẽ còn nhiều biến động giá trong 6 tháng cuối năm.
Nguồn: Sưu tầm